Công ty Cổ phần mía đường Cao Bằng

Tìm lối ra cho doanh nghiệp đường

Điều lo ngại của ngành mía đường Việt Nam hiện nay là làm sao có thể ứng phó với sự du nhập ngày càng tăng của đường nước ngoài. 

Mới đây, trong công văn góp ý dự thảo nghị định của Chính phủ về biểu thuế xuất nhập khẩu đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã đề nghị Bộ Tài chính lưu tâm đến Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), trong đó có cam kết của 10 nước ASEAN bảo vệ 2 mặt hàng đặc biệt nhạy cảm là gạo và đường, nếu bị "tổn thương" có thể đề nghị tăng thuế. Đồng thời, phía VSSA đề cập đến Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Lào công bố ngày 27/6/2015. Theo VSSA, việc khuyến khích đẩy mạnh giao thương giữa 2 quốc gia là rất cần thiết, nhưng vì sự khuyến khích mà dành ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, thuế GTGT 0% cũng như miễn trừ các hàng rào kỹ thuật với một số mặt hàng do các nhà đầu tư Việt Nam sản xuất tại Lào khi nhập khẩu vào Việt Nam lại trở thành sự ưu đãi quá mức. Hiện nay, năng suất cây mía chưa cao do nguyên nhân khách quan (thổ nhưỡng, thời tiết, diện tích đất manh mún) nên góp phần gây khó khăn cho sản xuất đường. Đó là chưa kể nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ đường nhập khẩu thì mức độ tác động ngày càng lớn hơn. VSSA đã đề nghị Bộ Tài chính quan tâm xem xét vấn đề này. Theo giải thích của ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký VSSA, sở dĩ VSSA có những kiến nghị như vậy là do trong ATIGA có quy định điều chỉnh mức thuế nếu chính sách mở cửa làm ảnh hưởng xấu đến ngành hàng trong nước. "Tôi đồng tình với nhận xét ngành mía đường Việt Nam kém hơn so với một số quốc gia nhưng không phải là yếu nhất so với các nước trên thế giới. Bởi lẽ, hiện nay Việt Nam đã có những nhà máy đường được đầu tư công nghệ thuộc hàng top trên thế giới, chỉ có khoảng 30% các nhà máy nhỏ lẻ, không khai thác vùng nguyên liệu lân cận thì phải chấp nhận sự sàng lọc của thị trường. >> Ngành đường gặp khó Thời quan qua, nhiều người có thói quen nghĩ rằng doanh nghiệp (DN) ngành đường vẫn phát triển tốt. Nhưng rõ ràng phải nhìn nhận lại, các DN mía đường khi đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thì ngành nghề kinh doanh của họ đâu còn đơn thuần là mía đường nữa, mà còn có đầu tư tài chính. Hay như trường hợp Công ty CP Đường Quảng Ngãi từng đạt doanh thu nghìn tỷ nhưng không phải đến từ sản xuất đường mà lại đến từ sản xuất sữa đậu nành. "Đây là sự linh hoạt trong kinh doanh của DN ngành mía đường, rất đáng ghi nhận", ông Hải nói. Trước những khó khăn của ngành mía đường hiện nay, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Mía đường Cần Thơ (đơn vị sản xuất đường lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) cũng nhìn nhận, so với các niên độ trước thì sản lượng đường có dấu hiệu sụt giảm, niên độ 2014 - 2015 sụt giảm khoảng 20% so với niên độ trước đó. Niên độ 2015 - 2016, dự kiến mức sụt giảm khoảng 15%. Theo ông Long, đây là dấu hiệu đáng buồn cho ngành mía đường Việt Nam. Bởi cây mía là từ nông dân, song so với các nước có thế mạnh, diện tích canh tác của họ lớn gấp vài chục lần, từ đó đã góp phần làm giảm giá thành so với cây mía Việt Nam. Vì thế, theo ông Long, thay vì tập trung khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, DN cố sức giúp nông dân tăng năng suất cây mía. Giải pháp trước mắt, DN hỗ trợ người dân trong việc cải thiện chữ đường, năng suất mía, nhưng một mặt DN rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Bởi chính sách của Chính phủ sẽ tác động rất lớn đến người nông dân, đến cây mía và cả ngành mía đường. Theo phân tích của ông Hải, không đơn thuần mà thế giới xếp đường vào nhóm hàng "nhạy cảm". Nếu ứng phó không khéo, một ngày nào đó thiếu hụt nguồn cung đường sẽ dẫn đến hệ lụy mất cân đối an ninh lương thực và sẽ không thể đảm bảo giá đường không biến động.

Theo báo Doanh nhân Sài Gòn Online