Đường tồn kho cao nhất lịch sử ngành mía đường
Đến cuối tháng 4, lượng đường tồn kho tại các nhà máy và các công ty thương mại đang khá lớn, và ở mức cao nhất trong lịch sử ngành mía đường.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến cuối tháng 4, các nhà máy đã ép được 11.264.567 tấn mía, sản xuất ra 1.041.439 tấn đường (trong đó có 313.369 tấn đường RE). Bên cạnh đó, các nhà máy đường sản xuất được 212.164 tấn đường từ đường thô.
Thu hoạch mía ở Long An |
Điều đáng chú ý là lượng đường tồn kho hiện đang khá lớn. Đến ngày 28/4, tồn kho tại các nhà máy đường là 674.487 tấn, tại các công ty thương mại là 43.032 tấn. Tổng cộng, ngành đường đang tồn kho 717.000 tấn. Đây là mức tồn kho kỷ lục vì mức tồn kho cao nhất trước đây là 701.680 tấn (tháng 4/2014).
Trong đó, đường trắng tồn kho 337.186 tấn, đường luyện 313.052 tấn và đường vàng/thô 66.920 tấn. Đông Nam Bộ là khu vực đang có lượng đường tồn kho lớn nhất với 235.494 tấn; tiếp đó là Miền Trung 221.659 tấn, miền Bắc 153.806 tấn và ĐBSCL 61.168 tấn.
Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tình hình tiêu thụ đường hiện đang rất chậm. Tháng 4, ngành mía đường tiêu thụ được 120.636 tấn đường. Trong khi đó, dù đã có 17 nhà máy kết thúc vụ ép 2016/2017, nhưng lượng đường sản xuất ra trong từng tháng vẫn đang cao hơn nhiều so với khả năng tiêu thụ. Tháng 4, lượng đường sản xuất từ ép mía ước tính là 165.000 tấn. Tháng 5, sẽ có thêm khoảng 150.000 tấn đường bổ sung vào nguồn cung đường vốn đang khá dồi dào.
Đường tồn tăng mạnh trước hết là do nhu cầu giảm nhiều sau Tết Nguyên đán. Đường xuất khẩu lại vẫn bế tắc. Từ đầu năm đến nay, đường Việt Nam hầu như không xuất được sang Trung Quốc, dù nước này đang phải nhập khẩu đường với số lượng khá lớn. Trong 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã phải nhập tới 590.000 tấn đường, cao nhất so với cùng kỳ kể từ 2009. Chính phủ Trung Quốc vẫn đang cho mở rộng nhập khẩu đến 22/5. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến đường Việt Nam đang gần như không xuất khẩu được sang Trung Quốc là do không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Thái Lan.
Bên cạnh đó, đường lậu và đường gian lận thương mại hoạt động mạnh trong thời gian qua cũng ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ đường trong nước và làm tồn kho đến mức rất cao như trên.
Giá đường lậu hiện đang thấp hơn khá nhiều so với giá đường trong nước. Cụ thể, vào ngày 3/5, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội là 15.600 - 16.300 đ/kg, miền Trung 15.000 - 15.400 đ/kg, TP.HCM 15.600 - 16.400 đ/kg. Cũng trong ngày ấy, giá đường Thái Lan nhập lậu ở cửa khẩu Lao Bảo là 14.000 đ/kg, ở Đông Hà 14.500 đ/kg, ở biên giới Tây Nam 14.500 đ/kg và ở TP.HCM là 15.000 đ/kg.
Điều đáng chú ý là khoảng cách giữa giá đường trong nước với giá được lậu đang được nới ra. Nếu như ngày 27/3, giá đường lậu ở TP.HCM thấp hơn đường nội từ 500 - 1.000 đ/kg, thì hơn 1 tháng sau đó (ngày 3/5), giá đường lậu thấp hơn từ 600 - 1.400 đ/kg.
Chính vì vậy, đường lậu đang có xu hướng thâm nhập mạnh qua cả biên giới Tây Nam và biên giới với Lào. Theo phản ánh của một số doanh nhân ngành đường, đường lậu thường được hợp thức hóa bằng cách đóng bao, mang nhãn hiệu của một số công ty sản xuất, kinh doanh đường ở ĐBSCL và miền Trung, nhưng những công ty này không có nhà máy chế biến đường. Đường lậu cũng còn được đóng vào bao in tên của một số công ty đường có tên tuổi ở trong nước. Thậm chí, có nơi, đường lậu vẫn để nguyên bao bì Thái Lan mà vẫn được vận chuyển, cung cấp trên thị trường.
Đường gian lận thương mại (đường tạm nhập tái xuất nhưng lại tuồn vào thị trường nội địa), cũng đang được bán ở nhiều tỉnh phía Bắc với giá thấp hơn so với giá bán buôn của đường trong nước. Có những tàu chở đường từ Thái Lan, tạm nhập qua cảng Hải Phòng để tái xuất sang Trung Quốc, nhưng lại được lén đưa vào tiêu thụ ở thị trường nội địa. Lượng đường tạm nhập tái xuất đang chui vào thị trường nội địa với số lượng không nhỏ, giá lại thấp hơn, nên đã gây khó khăn không ít cho việc tiêu thụ đường của các nhà máy.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam