Đường nội trước áp lực đường ngoại
Đường nhập khẩu từ Thái Lan và những quốc gia Đông Nam Á khác sẽ tạo áp lực đối với đường nội địa trong thời gian tới.
Thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan theo ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN) giai đoạn 2015 - 2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 165/2014/TT-BTC về việc Ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam.
Tính đến nay Việt Nam đã cắt giảm 8.603 dòng thuế (chiếm 93% biểu thuế). Theo đó, chỉ còn 669 dòng thuế (chiếm 7% biểu thuế) chủ yếu là những sản phẩm nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN sẽ xuống 0% vào năm 2018, trong đó có đường ăn.
Áp lực ngày càng tăng
Đây được xem là điều đáng lo ngại cho ngành đường Việt Nam trong thời gian tới, bởi theo phân tích từ Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA), nếu nhìn tổng thể về thị trường thì rõ ràng ngành đường được bảo hộ với mức thuế nhập khẩu cao.
Cụ thể, mức thuế nhập khẩu đối với đường trong hạn ngạch khoảng 25% (đường thô), 40% (đường trắng) và ngoài hạn ngạch là 85% (đường trắng) và 85% (đường thô). Tuy nhiên, với ATIGA, mức thuế nhập khẩu chỉ còn 5%, hay với Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào thì mức thuế đối với hàng hóa giữa hai nước sẽ còn rất thấp.
Là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu đường với năng lực sản xuất 1 triệu tấn mía/ngày, tương đương 10,5 triệu tấn đường/năm, nhưng thời gian tới Thái Lan có kế hoạch nâng gấp đôi sản lượng đường bằng việc chuyển vùng nguyên liệu từ trồng lúa sang trồng mía.
Tại Indonesia, các nhà sản xuất mía đường cũng dự kiến mở thêm 10 nhà máy với công suất trung bình 10.000 tấn mía/ngày/nhà máy. Nếu kế hoạch này đi vào thực tế, Indonesia sẽ có đến 70 nhà máy đường.
Theo VSSA, dù chưa có số lượng chính thức nhưng niên vụ 2015 - 2016 ngành mía đường Việt Nam ước đạt 1,2 - 1,3 triệu tấn đường. Điều đáng mừng là sản lượng sản xuất hầu hết được cung ứng cho thị trường trong nước thay vì phải xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc như những năm trước đây.
Với nông dân lẫn doanh nghiệp ngành mía đường, đây được xem là sự cải thiện thị trường khá tích cực. Nhưng trước áp lực bành trướng thị phần từ các nước trong khu vực, liệu ngành đường Việt Nam sẽ ra sao trong thời gian tới?
Sức cạnh tranh kém
Phân tích vấn đề này, ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký VSSA nói, ngành đường Việt Nam đang yếu thế hơn so với các nước. Điểm yếu này liên quan đến các vấn đề như năng suất mía, chữ đường trong mía, kỹ thuật trồng trọt, cơ giới hóa đã dẫn đến giá đường cao.
"Nếu trong thời gian tới, cùng với việc thực thi ATIGA hay Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào, chắc chắn đường Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với đường nhập khẩu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất đường mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân trồng mía và lan rộng đến cả ngành mía đường Việt Nam", ông Hải lo ngại.
Hiệp hội Đường Thế giới (ISO) dự báo sản lượng đường thế giới trong niên vụ này sẽ đạt 166,8 triệu tấn, giảm so với mức 171,2 triệu tấn (2014 - 2015); nhu cầu tiêu thụ đường toàn cầu dự kiến đạt 171,9 triệu tấn. Do vậy, nếu tình hình không thay đổi, giá đường được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng.
Có lẽ do lo ngại thiếu hụt đường đáp ứng nhu cầu sản xuất thực phẩm trong thời gian tới mà vừa qua Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ cho nhập 200.000 tấn đường. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ duyệt cho nhập khẩu tạm thời khoảng 100.000 tấn đường.
Phân tích thêm về ngành mía đường Việt Nam hiện nay, một chuyên gia trong ngành cho rằng, chỉ có sản lượng mía đường hằng năm và đường nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam là kiểm soát được. Còn các vấn đề về gian lận thương mại liên quan đến đường tạm nhập tái xuất, hoặc đường tạm nhập và xuất khẩu bằng hàng hóa như bánh, kẹo, thực phẩm, hay đường lậu thì vẫn chưa kiểm soát được.
Theo vị này, tại Thái Lan, các chính sách về kiểm soát giá mía và kiểm soát giá đường được theo dõi khá chặt. Cụ thể, Chính phủ Thái Lan luôn đảm bảo cho nông dân, nhà sản xuất đường không bị lỗ, cũng như người tiêu dùng không bị sốc bởi giá đường tăng cao.
"Đường và gạo là 2 mặt hàng rất nhạy cảm. Nếu không nắm chính xác về thị trường để có sự điều tiết kịp thời, đúng đắn thì sẽ tác động rất lớn đến ngành hàng. Do vậy, Việt Nam cần phải có chính sách để đảm bảo quyền lợi người lao động, để ngành mía đường đứng vững trên sân nhà và chủ động hội nhập" - vị này nhấn mạnh.
Theo báo Doanh nhân Sài Gòn Online