Minh bạch trong nhập khẩu đường
Các doanh nghiệp yêu cầu có sự minh bạch trong nhập khẩu đường để thúc đẩy ngành mía đường trong nước phát triển.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua cân đối cung cầu niên vụ năm 2015-2016, sẽ có khoảng 215.000 tấn đường được nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước; trong đó, nhập bổ sung là 100.000 tấn.
Trước thông tin này, hiện có hai ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp yêu cầu có sự minh bạch trong nhập khẩu đường để thúc đẩy ngành mía đường trong nước phát triển.
* Sẽ gây dư thừa
Đầu năm 2016, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn dẫn đến sản lượng đường cả vụ dự báo sẽ đạt thấp, giá thị trường thế giới có chiều hướng tăng, do đó thị trường đường trong nước bắt đầu có biến động.
Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho nhập khẩu bổ sung 200.000 tấn đường theo hạn ngạch thuế quan và trước mắt là 120.000 tấn. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ mới phê duyệt 100.000 tấn.
Đầu tháng 7, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường 2016 với lượng 100.000 tấn, chưa kể 85.000 tấn theo cam kết WTO và đường của Hoàng Anh Gia Lai từ Lào đưa về.
Xoay quanh vấn đề có nên nhập khẩu đường, bà Bùi Thị Quy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cồn Long Mỹ Phát kiến nghị Bộ Công Thương không nên nhập khẩu 100.000 tấn đường vào thời điểm này.
Theo bà Quy, hiện nay tồn kho đường của cả nước còn trên 400.000 tấn và các nhà máy đường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ sản xuất sớm vụ tới.
Trong khi đó, giá đường trong nước hiện mới chỉ nhích lên một chút, nếu nhập khẩu sẽ không tạo điều kiện cho ngành đường phát triển.
Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty Mía đường Cần Thơ cho biết, trong các báo cáo liên quan đến vấn đề nhập khẩu đường hiện chưa tính đến số lượng đường nhập lậu qua biên giới.
Vùng nguyên liệu mía đường ở huyện Trà Cú (Trà Vinh). Ảnh: Phúc Sơn–TTXVN
“Theo đánh giá của Hiệp hội, con số nhập lậu đường hàng năm không dưới 200.000 tấn, nếu chúng ta không xem xét con số này mà lại nhập khẩu đường thì lại tạo dư thừa. Mặt khác, đặc thù Đồng bằng sông Cửu Long là vào vụ sớm cộng lượng đường tồn kho thì có nên nhập hay không? Nếu nhập đường sẽ khiến giá đường giảm, kéo theo giá mía giảm, ảnh hưởng đến thu nhập nông dân trong khi họ đang gặp nhiều khó khăn vì biến đổi khí hậu” - ông Vinh nói.
Nói thêm về vấn đề này, bà Vũ Thị Huyền Đức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mía đường 1 cho rằng, vấn đề nhập khẩu đường cần được các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét lại chính xác hơn.
Đến nay, mặc dù đã hết quý II/2016 thế nhưng việc nhập khẩu đường theo WTO là 85.000 tấn vẫn chưa thực hiện được, do chủ trương đấu thầu chậm.
Nếu triển khai tốt việc nhập khẩu này sẽ giảm bớt việc giảm áp lực găm hàng và không cần nhập khẩu thêm 100.000 tấn.
Đại diện Tổng Công ty Mía đường 1 cũng cho hay, việc phân hạn ngạch quota cho doanh nghiệp cần có tiêu chí rõ ràng, minh bạch và cung cấp thông tin đầy đủ cho doanh nghiệp muốn nhập khẩu đường.
* Chỉ nhập khi có hiện tượng găm hàng
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kết thúc niên vụ 2015-2016, trong khi tồn kho đường tại các nhà máy đường còn khá, đã có hiện tượng khan hiếm giả tạo và giá đường được đẩy lên cao không phù hợp với mặt bằng thị trường.
Một số doanh nghiệp sản xuất sữa, bánh kẹo và nước giải khát phản ánh lên Bộ Công Thương là không mua được đường để sản xuất và đề nghị cho nhập khẩu.
Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương đi kiểm tra ở một số nhà máy đường và phát hiện một số doanh nghiệp đã tích trữ, găm hàng chờ giá lên, gây sự khan hiếm giả tạo.
Điều đó lý giải vì sao đầu năm nay giá đường trắng mới chỉ ở mức 13.000-14.000 đồng/kg nhưng đến tháng 5/2016 đã tăng lên mức 15.200-17.100 đồng/kg.
Với vai trò quản lý và điều hành của nhà nước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, việc cho phép nhập khẩu 100.000 tấn đường là nhằm đảm bảo thị trường trong nước được ổn định, nếu sốt giá sẽ thực hiện để bình ổn.
Dưới góc độ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, câu chuyện cân đối nhập khẩu đường cần được nhìn nhận một cách minh bạch và linh hoạt để đảm bảo cung cầu trong nước, duy trì sản xuất cũng như bảo đảm quyền lợi nông dân và lợi ích doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Quốc Doanh, với lượng đường tồn kho hiện nay 416.000 tấn, nếu nhập khẩu bổ sung 100.000 tấn như chủ trương của Bộ Công Thương, cộng thêm lượng đường nhập khẩu theo cam kết WTO và chuyển từ Lào về Việt Nam của Hoàng Anh Gia Lai thì nhiều khả năng có thể dư thừa 200.000 tấn đường trong thời gian tới.
Ngoài ra, thị trường trong nước vẫn luôn tồn tại một lượng đường ngoại nhập lậu khá lớn, dù thời gian qua đã giảm bớt so với những năm trước.
Vì vậy, cần cân đối rõ giữa cung và cầu, cũng như thời điểm phù hợp trước khi nhà nước cho nhập khẩu 100.000 tấn đường, để không ảnh hưởng đến việc sản xuất, chế biến mía đường trong nước, nhất là còn vài tháng nữa vào giai đoạn thu hoạch và chế biến niên vụ mới 2016-2017.
Với bối cảnh hiện nay, chủ trương nhập khẩu đường bổ sung được xem là vấn đề báo động của các doanh nghiệp mía đường.
Nếu không có kế hoạch điều chỉnh nhập khẩu và tiêu thụ, giá đường trong nước sẽ không còn như hiện nay và chưa biết sẽ trôi như thế nào.
“Mặc dù Bộ Công Thương đã có Thông tư về nhập khẩu 100.000 tấn đường, nhưng hãy xem như đây là “dư lệnh” nhập khẩu. Nếu các doanh nghiệp vẫn tiếp tục găm hàng thì lập tức cho nhập khẩu; ngược lại nếu các nhà máy đường sau khi kiểm tra không có tình trạng này thì dừng lại việc nhập khẩu đường. Như vậy chính sách điều hành sẽ mềm dẻo, linh hoạt, tạo cơ chế cho doanh nghiệp và ngành mía đường trong nước phát triển”, ông Doanh nói.
Trong trường hợp buộc phải nhập khẩu đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng kiến nghị nên nhập tỷ trọng đường thô nhiều hơn so với đường tinh, vì đường thô sẽ tạo việc làm cho các doanh nghiệp, người dân./.
Theo Báo Mới